Khám phá Hàn Quốc - Xứ sở Kim Chi - Phần 2

Văn hóa


Văn Hóa Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, ngôn ngữ chính thức là tiếng Hàn Quốc (tiếng Triều Tiên). Một số nhà ngôn ngữ học xếp ngôn ngữ này vào hệ ngôn ngữ Altai, một số khác thì cho rằng tiếng Hàn Quốc là một ngôn ngữ biệt lập (language isolate). Kể từ bậc tiểu học, người ta bắt đầu dạy tiếng Anh cho học sinh. Sau này tiếng Trung Quốc và tiếng Nhật cũng trở thành ngoại ngữ chính. Các ngôn ngữ châu Âu như tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha ít phổ biến hơn.

Khác với chữ viết của các nước vùng Đông Á, Hangeul – chữ viết chính của người Hàn Quốc – sử dụng một bảng chữ cái gồm 51 kí tự, 24 kí tự đơn và 27 kí tự kép. Những kí tự này được kết hợp theo âm tiết thành các chữ. Đối với những người không biết thì chữ Triều Tiên cũng phức tạp y như chữ Hán vậy. Nhưng thực ra người học có thể nắm được căn bản của loại chữ viết này chỉ sau 4 đến 5 tiếng đồng hồ. Vì lẽ đó mà chữ Hangeul được gọi là Atsim-Gul (chữ viết buổi sáng – trong một buổi sáng có thể học xong).


Bảng chữ cái Hangul

Hanja, bộ chữ Hán của người Triều Tiên, có ý nghĩa tương tự như chữ La tinh ở các nước châu Âu. Giống như các ngôn ngữ ở Đông Á và Đông Nam Á, rất nhiều từ trong tiếng Hàn Quốc có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên việc loại bỏ đi các thanh âm trong tiếng Hán dẫn đến việc trong tiếng Hàn Quốc có rất nhiều từ đồng âm. Các từ này được phát âm giống nhau nhưng mang ý nghĩa khác nhau và chỉ phân biệt được ý nghĩa dựa vào ngữ cảnh. Vì vậy, để cho rõ nghĩa, trong các văn bản khoa học người ta thường ghi chú thích bằng chữ Hanja ở đằng sau những cụm từ quan trọng. Trên các tấm danh thiếp người ta cũng thường sử dụng chữ Hanja để giải thích ý nghĩa tên của họ.

Văn học


Văn Học Hàn Quốc

Văn học Hàn Quốc có một số lượng lớn độc giả. Những buổi đọc sách thậm chí được tổ chức tại các sân vận động.

Hwang Sok-Yong (1943) là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất xứ Hàn. Ông đã trải qua cuộc chiến tranh Triều Tiên và từng tham chiến tại chiến tranh Việt Nam. Đề tài chính trong các tác phẩm của ông là mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại.

Tôn giáo


Phật giáo tại Hàn Quốc

Theo số liệu thống kê đến năm 2005 do chính phủ Hàn Quốc cung cấp, có khoảng 46% của công dân cho biết không theo tôn giáo nào. Người theo đạo Cơ đốc chiếm 29,2% dân số (trong số đó là đạo Tin Lành 18,3%, Công giáo 10,9%) và 22,8% là Phật tử. 1% là tín đồ đạo Khổng, 1% còn lại theo các tôn giáo khác.

Tại Hàn Quốc có khoảng 45.000 người bản địa theo Hồi giáo (khoảng 0,09% dân số), bổ sung vào con số 100.000 lao động nước ngoài từ các quốc gia Hồi giáo.

Nhiều người dân Hàn Quốc không đặt nặng vấn đề tôn giáo, họ tổ chức ngày lễ của nhiều tôn giáo khác nhau. Việc pha trộn tôn giáo này vấp phải sự phản đối kịch liệt của hơn 90.000 tín đồ Nhân chứng Giê-hô-va. Những nghi lễ cổ truyền vẫn còn được duy trì. Các giá trị của đạo Khổng hiện nay vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống thường ngày của người dân xứ Hàn.

Ẩm thực


Ẩm Thực Hàn Quốc

Hàn Quốc nổi tiếng nhất với món kim chi, một món ăn sử dụng quá trình lên men đặc biệt để bảo quản một số loại rau, trong đó phổ biến nhất là bắp cải. Đây là một loại thực phẩm lành mạnh vì nó cung cấp các vitamin và chất dinh dưỡng cần thiết. Gochujang (một loại nước sốt truyền thống Hàn Quốc làm từ ớt đỏ) rất thông dụng, cũng như tương tiêu (hoặc ớt), là những món điển hình của nền ẩm thực nổi tiếng với vị cay.

Bulgogi (thịt nướng tẩm gia vị, thường là thịt bò), galbi (xương sườn cắt khúc tẩm gia vị nướng) và món samgyeopsal (thịt lợn ở phần bụng) đều là những đặc sản từ thịt phổ biến. Cá cũng là một thực phẩm phổ biến, vì nó là loại thịt truyền thống mà người Hàn Quốc hay dùng. Bữa ăn thường đi kèm với súp hoặc món hầm, chẳng hạn như galbitang (xương sườn hầm) và doenjang jjigae (canh súp đậu lên men). Giữa bàn ăn là đủ loại món ăn phụ gọi là banchan.

Các món ăn phổ biến khác gồm bibimbap – có nghĩa là “cơm trộn” (cơm trộn với thịt, rau, tương ớt đỏ) và naengmyeon (mì lạnh). Một món ăn nhanh phổ biến ở Hàn Quốc là kimbab, gồm cơm trộn với rau và thịt cuộn trong lớp rong biển. Tuy ngày càng có nhiều thành phần thức ăn được cuộn trong kimbab nhưng cá dù sống hoặc chín vẫn hiếm khi được sử dụng, có lẽ do nguồn gốc kimbap là một món ăn cầm tay hoặc món ăn nhanh có thể gói lại mang đi, trong khi đó cá có thể nhanh chóng hư hỏng nếu không được đông lạnh.

Mì ăn liền cũng là một loại thức ăn nhẹ rất phổ biến. Người Hàn Quốc cũng thích dùng các loại thức ăn từ pojangmachas (bán dạo trên đường phố), ở đây người ta có thể mua tteokbokki (bánh gạo và bánh cá với nước sốt gochujang cay), khoai tây chiên mực và khoai lang tẩm. Soondae là loại một xúc xích làm bằng mì sợi trong suốt và huyết lợn cũng được rất nhiều người ưa thích.

Ngoài ra, một số món ăn nhẹ phổ biến khác bao gồm chocopie, bánh tôm, bbungtigi (bánh gạo giòn) và “nu lung ji” (cơm cháy nhẹ). Có thể ăn sống nu lung ji hoặc đun với nước để tạo ra một món canh. Nu lung ji cũng có thể được dùng như một món ăn nhanh hay món tráng miệng.

Âm nhạc

K-Pop

K-Pop (viết tắt của Korean Pop, Pop Hàn Quốc) là dòng nhạc Pop ở Hàn Quốc chịu ảnh hưởng của J-Pop (Pop Nhật).


DBSK là nhóm nhạc tiên phong trong quá trình bùng nổ K-POP 

Noraebang, karaoke của Hàn Quốc: Trong tiếng Triều Tiên không có từ nghĩa tương đương với karaoke. Thay vào đó, họ gọi loại hình giải trí này là norae (노래, tiếng hát). Các quán karaoke (노래방, noraebang) được tìm thấy ở khắp các ngóc ngách. Cả thanh niên lẫn người lớn tuổi đều mê loại hình giải trí này.

Các ngày quốc lễ


Quốc lễ Hàn Quốc

1/1: Năm mới – Seol: Đây là ngày đầu tiên trong năm theo âm lịch và là ngày nghỉ đối với cả nước. Một ngày trước và một ngày sau ngày này cũng là ngày nghỉ.

1/3: Ngày độc lập: Ngày này đánh dấu các phong trào giành độc lập trên quy mô rộng lớn đòi tự do từ ách thực dân Nhật năm 1919.

5/4: Tết trồng cây: Ngày cả nước trồng cây xanh.

5/5: Tết thiếu nhi: Ngày có nhiều hình thức vui chơi cho trẻ em.

Lễ Phật Đản: Ngày 8/4 âm lịch. Các nghi lễ trang nghiêm được tổ chức tại các đền chùa Phật giáo. Đỉnh cao của các hoạt động lễ hội trong ngày này là lễ rước đèn lồng ở trung tâm Seoul.

6/6: Lễ tưởng niệm. Cả nước viếng hồn các liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh bảo vệ đất nước. Lễ tưởng niệm được tổ chức ở Nghĩa trang Quốc gia.

17/7: Ngày lập pháp. Ngày kỷ niệm sự công bố chính thức hiến pháp của Đại Hàn Dân Quốc năm 1948.

15/8: Ngày giải phóng. Vào ngày này năm 1945, Hàn Quốc được giải phóng khỏi ách thống trị kéo dài 35 năm của thực dân Nhật. Ngày này cũng đánh dấu sự thiết lập Chính phủ Hàn Quốc năm 1948.

Chuseok: Ngày 15/8 âm lịch. Các gia đình tổ chức các nghi thức kỷ niệm tại nhà hoặc đi thăm mộ gia tiên. Họ cùng ngắm trăng tròn và cầu mong những điều tốt đẹp.

3/10: Ngày Quốc khánh. Ngày thành lập nhà nước do Dangun lập nên, năm 2333 TCN.

25/12: Lễ Giáng Sinh. Cả các tín đồ theo đạo và người không theo đạo Cơ đốc đều kỷ niệm ngày này, giống như ở các nước phưong Tây.

Ngoài ra còn có một số ngày lễ dành cho gia đình cũng có ý nghĩa quan trọng đối với người Hàn Quốc và người ta thường cử hành bằng cách tổ chức tiệc tùng và các trò vui chơi. Đó là ngày baegil (kỷ niệm 100 ngày kể từ ngày em bé ra đời), dol (kỷ niệm sinh nhật đầu tiên của bé), hoegap hay hwangap (sinh nhật lần thứ 60) – được coi là lễ kỷ niệm tròn một vòng quay 60 năm trong đời một con người theo quan niệm Hoàng đạo Phương đông. Những ngày đặc biệt này thường được tổ chức náo nhiệt, đặc biệt khi tỷ lệ tử vong sơ sinh cao và tuổi thọ con người còn thấp.

Những dịp như vậy từng được tổ chức như một ngày hội, trong đó có sự góp mặt của cả những người họ hàng xa. Ngày nay chỉ có thành viên trong gia đình tham gia các dịp này. Đối với lễ hoegap, ngày càng có nhiều người đi du lịch nước ngoài thay cho làm lễ kỷ niệm tại nhà.

Ngày đăng:

Bình luận của bạn