Học cách đi tàu điện ở Tokyo !

Tokyo là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, ước tính khoảng 14 triệu người! Do đó, vấn đề giao thông công cộng đặc biệt được chú ý. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về hệ thống tàu điện ở Tokyo cũng như cách sử dụng để các bạn học viên mới sang Nhật không gặp quá nhiều khó khăn trong việc đi lại nhé !

1. Phân chia loại tàu

Phân chia một cách đơn giản thì ở Tokyo có 2 loại tàu: tàu điện – chạy trên mặt đất, tàu điện ngầm – chạy dưới lòng đất.

- Tàu điện ở Tokyo được sử dụng nhiều nhất là JR Line – 山手線 – Yamanote Line với bảng hiệu màu xanh lá. Đây là dịch vụ của công ty Japan Raiway Group, thuộc sở hữu của chính phủ Nhật. Tuyến này chạy vòng quanh Tokyo và đi qua 6 ga lớn là: Tokyo, Ueno, Ikebukuro, Shinjuku, Shibuya và Shinagawa.

http://kysucaunoi.vn/uploads/Images/su-kien/subway.png

- Tàu điện ngầm có khá nhiều tuyến như: Keio Line – 京王線 , Odakyu Line –小田急線 ,… Các tuyến này chạy xung quanh vòng trong JR Line và các vùng lân cận. Và giá vé đi tàu điện ngầm luôn đắt hơn tàu điện 1 chút.

2. Cách tra tàu bằng app

Về cách tra tàu, chúng ta có thể tra theo 2 app chính, tùy độ phù hợp với mỗi người sử dụng:

- Đầu tiên là Google Map!

Ưu điểm của app này là có thể sử dụng chữ latin nên dễ sử dụng với người vừa đến Nhật. Bên cạnh đó, app cũng đưa ra được nhiều tuyến đường, cung cấp nhiều sự lựa chọn cho người dùng và cho biết giá vé tổng khi mua vé lẻ tại quầy bán vé.

Cách sử dụng : Đầu tiên, chúng ta truy cập Google Map và chọn điểm đi – đến, ở đây có thể là ga hoặc địa chỉ. Sau đó, chọn phương tiện đi lại là tàu.

Ví dụ: chúng ta đi từ Hatagaya Station đến Harajuku Station có 2 chọn lựa:

1. Đi tuyến Keio sau đó chuyển sang JR mất 19 phút với 260¥, bắt đầu chạy từ 4:46

2. Đi tuyến Chiyoda mất 20 phút trong đó có 16 phút đi bộ, mất 170¥, bắt đầu chạy từ 4:43.

Giả sử, chúng ta chọn cách đi thứ nhất. Đầu tiên, tại ga Hatagaya chúng ta đi theo Keio Line hướng ShinsenShinjuku đến ga Shinjuku. Tại đây, chúng ta chuyển sang JR Line theo đường số 14 và cuối cùng là xuống ở Harajuku sau khi đi mất 4 phút.

- App thứ 2 là Yahoo! Norikae:

App này có khá nhiều ưu điểm như: đưa ra nhiều tuyến đường được lựa chọn theo các tiêu chí như rẻ nhất, nhanh nhất…, trong trường hợp đổi tàu có thể xem được giá tiền tổng khi đi bằng thẻ tàu, có khả năng tính được vé tháng tổng đoạn đường và từng chặng. Tuy nhiên, app này sử dụng hầu hết là kanji nên sẽ có chút khó khăn cho những bạn mới sang.

Cách sử dụng: Đầu tiên, chúng ta nhập ga đi và ga đến với địa điểm như ví dụ sau:

Tiếp theo, chọn biểu tượng màu cam sẽ hiện ra các tuyến tàu nối giữa 2 địa điểm.

Ở đây có thể thấy tàu được phân theo 3 tiêu chí: màu cam – nhanh nhất, màu xanh – số lần đổi tàu ít nhất, màu vàng – rẻ nhất. Giả sử chúng ta đang có việc gấp cần đến nơi nhanh nên sẽ chọn phương án 1.

Theo sơ đồ hướng dẫn có thể thấy, ở Hatagaya đi tuyến Keio tại đường số 2, đến Shinjuku tại đường số 5. Tại đây chuyển sang tuyến JR trên đường ray số 14 và đến Harajuku ở đường số 1. Tổng cộng giá vé cả chặng nếu mua bằng thẻ là 247¥. Tại đây nếu muốn xem vé tháng bạn có thể kéo xuống chọn biểu tượng thẻ như hình.

Vé được tính theo 1 – 3 – 6 tháng như hình dưới, ngoài ra còn có chi tiết từng đoạn

Vé tháng có 2 loại thẻ phổ biến ở Tokyo là SuicaPasmo. Trong đó, Suica là thẻ tàu điện, ngoài dùng để đi tàu còn có thể dùng để mua sắm tại các siêu thị và máy bán hàng tự động. Pasmo là thẻ tàu điện ngầm, cũng có thể dùng để mua sắm nhưng địa điểm chấp nhận ít hơn. Lúc làm vé tháng lần đầu tiên bạn phải bỏ thêm 500¥ cho chi phí làm thẻ, những lần sau sẽ được miễn chi phí này. Khi mua thẻ tàu bạn cũng nên có một ít tiền trong đó bên cạnh vé tháng. Bởi khi đi tàu bằng thẻ không những tiện lợi mà còn rẻ hơn khi bạn mua vé lẻ. Như ví dụ trên nếu đi bằng vé thì mất 260¥ trong khi đó chỉ bằng 1 thao tác quẹt thẻ bạn chỉ phải trả 247¥, số tiền chênh lệch là thuế.

Những điều chú ý khi đi tàu:

- Khi đi trong các ga lớn như Tokyo, Shinjuku việc nhìn tuyến, bảng hiệu là điều cần thiết để các bạn không bị lạc. Chỉ cần đi đúng theo mũi tên chỉ hướng trên các bảng hiệu là đảm bảo đến đúng tàu. Ngoài ra, tại các ga lớn việc xuống ở các toa khác nhau sẽ dẫn bạn ra các cửa khác nhau, cho nên để không bị lạc trong ma trận này những người chưa có kinh nghiệm nên để ý toa mình đi, khi đi thì lên đúng toa đó và khi trở về thì các bạn có thể về theo đường cũ.

- Việc đi trễ dù là 3 hay 5 phút đối với người nhật cũng là vấn đề. Cho nên, cách giải quyết cho những trường hợp bị trễ tàu là ngay khi xuống tàu, tại cửa soát vé hãy lấy giấy chứng nhận trễ tàu và sau đó đưa nó cho thầy cô giáo hoặc cấp trên.

- Trong trường hợp bạn đi nhầm tàu hoặc lỡ đi quá bến, đừng lo lắng! Hãy xuống ngay ga vừa đến và nhìn bảng hiệu hoặc hỏi người khác cách quay lại ga vừa đi. Thông thường đường đi ngược lại là ray phía đối diện. Một số người nói vì tàu chạy vòng tròn nên cứ ngồi trên tàu đến khi nào nó quay lại bến cũ là được nhưng thật ra không phải vậy. Mỗi chuyến tàu đều có bến cuối, khi đến đó tất cả mọi người đều phải xuống và đợi tàu tiếp theo rồi mới đi tiếp. Việc tiếp tục ngồi chờ để về bến cũ trên 1 tàu là không thể và tốn khá nhiều thời gian.

- Khi đợi tàu, mọi người thường xếp theo 2-3 hàng dọc. Trong trường hợp nếu xếp hàng ngang thì sẽ có vạch sơn báo hiệu. Khi tàu dừng chúng ta không lên ngay mà phải dàn sang 2 bên cửa để người ở trong xuống hết rồi bắt đầu lần lượt lên, không chen lấn.

- Khi đi tàu ở Nhật chúng ta hạn chế nói chuyện và mở âm lượng điện thoại, khuyến khích để chế độ rung, mục đích là để không làm phiền người khác. Trên các toa luôn có ghế ưu tiên, bình thường nếu không có các đối tượng này thì chúng ta có thể ngồi nhưng cũng nên hạn chế. Đặc biệt tại một số loại tàu ở khu vực ưu tiên phải tắt điện thoại không được sử dụng vì các ghế đó ưu tiên cho người có bệnh tim, sử dụng điện thoại sẽ gây ảnh hưởng đến thiết bị y tế họ đang sử dụng.

Hy vọng những thông tin về cách sử dụng và một số lưu ý khi đi tàu điện ở Tokyo có thể giúp cho việc đi lại và sinh hoạt của các bạn học viên mới sang Nhật thuận tiện hơn. Chúc các bạn may mắn ^_^!

Ngày đăng:

Bình luận của bạn