Bất cứ bạn trẻ nào khi bước chân đi du học đều trăn trở chuyện về nước hay ở lại lập nghiệp nơi xa xứ. Ở hay về đều có những nỗi niềm, khát vọng riêng. Và họ, những người trẻ, đang suy nghĩ, trăn trở điều gì?
Trở về vì tin sẽ tìm được môi trường tốt
Tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, Lê Thị Mỹ Hạnh được trường ĐH Ritsumeikan ở Tokyo (Nhật Bản) cấp học bổng toàn phần cho chương trình du học thạc sỹ. Vốn yêu mến đất nước Nhật Bản từ trước nên hai năm học ở Khoa Quan hệ quốc tế, Hạnh càng thấy đất nước, con người nơi đây hiện đại mà gần gũi.
Mỹ Hạnh chụp với nông dân Nhật
Hạnh chia sẻ, “mình đã từng đắn đo rất nhiều giữa việc ở lại Nhật làm việc hay về nước”. Hạnh kể, dù được cấp học bổng có giá trị lớn nhưng cô vẫn tìm việc làm thêm tại một cửa hàng McDonald để học hỏi kinh nghiệm.
Cũng nhờ thời gian đi làm thêm, cô hiểu thêm, đa số người trẻ ở Nhật đều rất tự lập, họ chăm chỉ làm thêm để kiếm tiền trang trải cho bản thân. Tìm hiểu môi trường, điều kiện làm việc ở các công ty, cô càng bị thuyết phục bởi những người đi trước đều hết lòng chỉ dạy dìu dắt người trẻ, môi trường lành mạnh, nhân viên làm việc thật sự, không chia rẽ nội bộ, không kèn cựa đấu đá, mọi người phối hợp và đoàn kết vì mục tiêu chung. Nếu làm việc nơi đây, cô không chỉ học hỏi được nhiều điều mà mức thu nhập cũng đạt con số đáng mơ ước.
Tốt nghiệp với tổng điểm 3,75/4, dù đã hoàn thiện hồ sơ để vào làm việc trong một công ty mỹ phẩm hàng đầu ở Tokyo, song cuối cùng Hạnh lại bất ngờ quyết định về nước. Bởi cô tin, ở đâu cũng có thể làm việc tốt nếu mình chăm chỉ và tâm huyết với nghề. Trở về, Hạnh được tuyển thẳng vào một công ty thương mại của Nhật tại Hà Nội với mức lương hấp dẫn.
Mỹ Hạnh chụp với sinh viên quốc tế
Với niềm tin, các bạn trẻ có năng lực và cầu tiến sẽ tự mình biết tìm đến những môi trường tốt, lành mạnh để phát triển bản thân. Hạnh chia sẻ, khi còn học tập ở Nhật, Hạnh ghi tên tham gia các hoạt động ngoại khóa, xã hội mang lại niềm vui, ý nghĩa cho bản thân và những người xung quanh. Từ dạy trẻ em Nhật học tiếng Anh tới các buổi giới thiệu văn hóa Việt ở các trường học, tham gia các lễ hội văn hóa Nhật, trồng trọt với nông dân… Nhờ đó, Hạnh đã hiểu hơn văn hóa Nhật và quảng bá được văn hóa Việt Nam.
Ở lại vì ngại… “con ông cháu cha”
Đang theo học chương trình thạc sỹ năm thứ 2 trường Oklahoma State University của Mỹ nhưng Lê Qúy Dung, sinh năm 1988 quê ở Hà Tĩnh có thiên hướng sẽ ở lại nơi đây để làm việc. Dung chia sẻ, khi mới sang môi trường lạ lẫm, nhớ nhà, nhớ những món ăn quê hương nên rất muốn về nhưng khi đi vào ổn định, cô thấy đó là môi trường tốt để học tập và tìm kiếm cơ hội việc làm. Để có được công việc tốt sau khi ra trường, Dung thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa, hội thảo mở rộng nâng cao khả năng xin việc khi ra trường và đặt mục tiêu kết quả học tập phải từ 3,5/4 trở lên.
Dung cho hay, từng rất trăn trở với chuyện ở lại hay về. Nếu ở lại Mỹ, cô gặp khó khăn trong ngôn ngữ, văn hóa, thủ tục để có visa ở lại làm việc. Ở một đất nước hiện đại, những người trẻ như Dung phải nỗ lực rất nhiều để có công việc tốt và mức thu nhập cao. Còn về nước, Dung không khỏi lo ngại khi nghe bạn bè kể chuyện người trẻ, có tài làm việc ở cơ quan nhà nước chưa chắc được trọng dụng, thậm chí ít có cơ hội thăng tiến hơn “con ông cháu cha” hoặc người có tiền giỏi chạy. “Nếu ở trong môi trường trì trệ đó, người trẻ dễ chán nản hay nảy sinh tâm lý lười biếng, không có động lực phấn đấu”, Dung nói.
Lê Quý Dung chụp ở Mỹ
Dung bày tỏ, không nhất thiết phải sống và làm việc tại nước nhà mới là tốt. Người có tài, có tâm thì dù ở nơi đâu họ cũng sẽ có cách đóng góp cho sự phát triển của đất nước, thậm chí, khi họ được làm việc ở một môi trường thuận lợi hơn càng phát huy được năng lực, và đóng góp, giúp đỡ được nhiều người hơn.
Ví như, một người Việt Nam ra nước ngoài thành công, có nhiều hoạt động vì cộng đồng ở nước sở tại, sẽ góp phần khôngnhỏ gây dựng hình ảnh đẹp của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Với quan điểm đó, ở trường Oklahoma State University, Dung thường xuyên tham gia vào các hoạt động liên quan đến môi trường với mong muốn một ngày nào đó có thể xin được dự án liên quan môi trường để giúp đỡ Việt Nam cải thiện môi trường sống.
Trăn trở
Sinh năm 1992, Trịnh Bảo Trung đang theo học năm cuối ngành kinh tế tại trường ĐH Hudderfild (Anh). Trung cho biết, mục tiêu trước mắt là đạt bằng tốt nghiệp loại giỏi. Bởi hiện đã có một vài nơi ngỏ lời tuyển dụng nếu Trung được xếp loại giỏi. Trung nỗ lực từng ngày để học tập và đi làm thêm, thực tập ở các công ty tài chính để lấy kinh nghiệm.
Bảo Trung ở Anh
Chuyện về hay ở vẫn là vấn đề khiến Trung trăn trở khôn nguôi. Tạm thời, trung vạch ra kế hoạch khi ra trường sẽ ở lại làm việc ít năm để nâng cao kinh nghiệm, trình độ rồi mới trở về. Điều Trung hài lòng nhất là sau 4 năm du học, ngoài kiến thức anh biết tự lập, biết lắng nghe, tự tin hơn trong giao tiếp. Trung cho rằng, đó là những kỹ năng mềm để sau này dù ở môi trường nào anh cũng có thể tìm kiếm và theo đuổi một công việc tốt.
Trả lời câu hỏi, có dự định trở về làm việc trong một cơ quan nhà nước? Trung cho hay, khi về nước, tùy vào chuyên môn, năng lực, đam mê của mình để đăng ký tuyển dụng vào một vị trí tương ứng. Tuy nhiên, Trung lo ngại với mức lương cơ bản chỉ từ 3-4 triệu đồng/người/tháng cho một sinh viên mới ra trường khó mà chi trả được cuộc sống hàng ngày.
Hiện tại, Trung đang thực tập ở một quỹ đầu tư ở Anh để tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng làm việc.
Theo Nguyễn Hành (Tiền Phong
Bình luận của bạn